A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DÁN NHÃN CON & ĐÓN NHẬN CON NHƯ CON VỐN CÓ

DÁN NHÃN CON & ĐÓN NHẬN CON NHƯ CON VỐN CÓ

Mình nhận được một bức hình có nội dung là “7 dấu hiệu cho thấy trẻ là người có EQ thấp” kèm với comment của một phụ huynh “Con em 7 tuổi có đầy đủ các triệu chứng này luôn. Bạn ý còn rất lề mề và ẩu nữa. Nhiều khi người muốn hoá thú là bố mẹ ạ”

Mình thấy cần phải cảnh báo các ba mẹ là đừng dựa vào những dấu hiệu như thế này để dán nhãn con. Khi chúng ta tìm ra những điều này và dựa vào đó để nghĩ con có EQ thấp, sẽ làm không ít cha mẹ có cái nhìn thất vọng hơn về con mình hoặc tự con sẽ dán mác cuộc đời mình để rồi cả cuộc đời bị ám ảnh điều này. Mình thiên về nhìn con người ở góc độ tích cực hơn bởi mọi tính khí của con đều không có xấu hay tốt, nó chỉ đơn thuần là các đặc điểm rất riêng của con và chúng hoàn toàn có thể thay đổi được.

Bản thân tiến sỹ Howard Gardner – cha đẻ của thuyết Đa trí thông minh cũng không bao giờ đưa ra một thang đo cụ thể cho việc em bé nào có loại hình trí thông minh nào nổi trội bởi ông lo lắng rằng việc người lớn khi đánh giá trẻ theo các tiêu chí đó hoàn toàn có thể dán nhãn con và có một tư duy cố định khi nhìn nhận về tiềm năng của con. Hãy thay đổi Fixed- mindset thành Growth-mindset để nhìn nhận về bất kỳ sự việc, hiện tượng gì, kể cả tính khí, tính cách của mỗi con người.

Thực tế là trong mỗi một em bé sẽ luôn có hai phần ảnh hưởng đến trẻ đó là gene và môi trường xung quanh con. Quay trở lại với việc em bé có EQ thấp, điều này cũng một phần đến từ gene và một phần là những cách thức con được tương tác và giáo dục.  Như vậy, em bé có biểu hiện như thế nào là do bố mẹ sinh ra thế đó cộng với cách bố mẹ cũng như những người xung quanh tương tác và dạy các bé các bài học trong quá trình trưởng thành. Chính vì vậy, có thể nói trẻ không cố tình “Không kiểm soát được cảm xúc, dễ mất bình tĩnh, vùng vằng cáu giận, hay phàn nàn khó chịu, hay đổ lỗi, suy nghĩ tiêu cực, bướng bỉnh không nghe lời” bởi cả gene và môi trường chắc chắn đều là những thứ mà trẻ không thể kiểm soát được. Con như thế nào là sản phẩm của chính bố mẹ đẻ ra, nuôi dạy thế ấy. Và “con mình chẳng lẽ lại vứt?”  Hãy đón nhận con như con vốn có, đón nhận sản phẩm của chúng ta dù nó chưa hoàn hảo, Nhiệm vụ của cha mẹ là cần mài dũa sản phẩm đó cho đến khi nó là phiên bản tốt nhất để sẵn sàng bước vào cuộc đời các ba mẹ ạ.

Để đón nhận được con như con vốn có thì mình cần thực sự hiểu con mình. Con sẽ có những đặc điểm gì mang tính phát triển chung của độ tuổi và sẽ có những điều nào là những thứ rất riêng tư tạo nên con độc đáo và duy nhất. Khi đã hiểu con rồi, chúng ta cũng sẽ cần học cách làm cha mẹ của con để cung cấp các bài học và môi trường phù hợp cho con.

Chúc các ba mẹ sẽ luôn hạnh phúc trên hành trình làm cha mẹ.

# Lưu Minh Hường- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Giáo dục sớm CERD


Tác giả: TRƯỜNG MẦM NON TUỔI THƠ - HOÀNG MAI
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan